Quy trình Automated Fulfillment đa kênh của Amazon
Dịch vụ Multi-channel fulfillment by Amazon (MCF – Hoàn tất đơn hàng đa kênh bởi Amazon) cung cấp dịch vụ fulfillment cho cả những người bán ngoài trang web Amazon. Để hiểu một cách đơn giản, khi bán trên một kênh bán khác, bạn có thể gửi một phần hoặc tất cả những hàng tồn kho của mình đến trung tâm Fulfillment của Amazon để được hỗ trợ xử lý, đóng gói và vận chuyện đơn hàng.
Hình thức MCF phù hợp với những nhà kinh doanh muốn tập trung vào phát triển kinh doanh mà không phải vướng bận vào những vấn đề hậu cần hàng ngày.
Quy trình
Người bán có thể lưu kho tại Amazon và hoàn tất những đơn hàng trên nhiều kênh bán được tích hợp trên hệ thống Amazon. Bạn có thể theo dõi đơn hàng ở Trung tâm người bán (Seller Central) với hệ thống theo dõi được tích hợp và cập nhật theo thời gian thực, và các sản phẩm sẽ được lưu ở một kho cho thuận tiện quản lý.
Để sử dụng dịch vụ MCF, người bán phải có một tài khoản Fulfillment by Amazon (FBA). Khi đơn hàng được xử lý, chi phí sẽ được thanh toán bằng số dư có sẵn hoặc thẻ tín dụng liên kết với tài khoản.
Bước 1: Tạo sản phẩm trên Amazon
Người bán bắt đầu bằng cách lựa chọn danh mục cho sản phẩm, cập nhật thông tin, giá bán và SKU của sản phẩm. Hãy uớc lượng thời gian khi sản phẩm của bạn được gửi đến và nhập kho Amazon để chọn ngày bán chính xác, và nhớ chọn sử dụng dịch vụ hoàn tất đơn hàng của Amazon (Fulfilled by Amazon).
Bước 2: Tạo đơn Fulfillment
Truy cập vào tồn kho (All Inventory) trên tài khoản Amazon và lựa chọn “Tạo đơn Fulfillment” (Create Fulfillment Order). Điền tất cả những thông tin cần thiết như thông tin người nhận, phương thức vận chuyển, v.v. Nếu muốn tạo nhiều đơn cùng một lúc, người bán có thể sử dụng file mẫu của Amazon.
Bước 3: Quản lý vận chuyển
MCF thường có ba loại vận chuyển cho bạn lựa chọn: tiêu chuẩn (3-5 ngày làm việc), tốc độ (2 ngày) và ưu tiên (ngày hôm sau). Người mua sẽ lựa chọn phương thức vận chuyển, trong khi đó người bán có thể thiết kế Phiếu gửi hàng (Packing slip) với logo và thông tin của công ty mình. Đây là một điểm cộng so với dịch vụ FBA nhằm giúp việc đóng gói được thương hiệu hoá hơn.
Hoàn đơn & huỷ đơn
Khác với FBA, việc hoàn đơn MCF là trách nhiệm của người bán. Người bán có thể quyết định nhập lại sản phẩm vào kho hoặc gửi về nhà sản xuất tuỳ theo tình trạng mỗi đơn hàng, miễn là phù hợp với chính sách của Amazon.
Đơn hàng MCF có thể được huỷ trong vòng 15 phút sau khi tạo trong mục “Quản lý đơn hàng” (Manage Orders). Sau thời gian này, Amazon có quyền từ chối yêu cầu huỷ đơn. Với những sản phẩm đã hết hàng, Amazon sẽ cập nhật tình trạng sản phẩm là “Không thể Fulfill” (Unfulfillable) và không thể xử lý những đơn này cho đến khi có sản phẩm mới nhập kho.
Ưu nhược điểm của Multi-channel Fulfillment
Ưu điểm
-
Dễ dàng quản lý kho: Quản lý tồn kho là ưu điểm vượt trội nhất với hình thức MCF. Vì tất cả các sản phẩm được vận chuyển và quản lý ở kho của Amazon với hệ thống tân tiến, bạn sẽ luôn theo dõi được số lượng tồn kho của mình trên tất cả các kênh bán. Điều này giúp bạn kịp thời điều chỉnh chiến lược bán hàng và bảo đảm duy trì được chất lượng dịch vụ.
-
Chi phí rõ ràng: Amazon cung cấp bảng phí rất rõ ràng cho dịch vụ MCF. Khi tạo đơn trên hệ thống, Amazon sẽ ngay lập tức cung cấp cho bạn mức phí ước tính theo thời gian thật.
-
Chất lượng dịch vụ: Amazon là nhà cung cấp dịch vụ hậu cần hàng đầu với hơn 75 trung tâm Fulfillment trên toàn nước Mỹ và hơn 125,000 nhân viên. Dù sản lượng của bạn là vài chục hay vài nghìn đơn một ngày, Amazon hoàn toàn có đủ nguồn lực để xử lý và giao hàng đến tay khách hàng trong thời gian cam kết.
Nhược điểm
-
Khó xây dựng thương hiệu: Amazon không cung cấp dịch vụ cá nhân hoá bao bì đóng gói hàng hoá. Tất cả các bưu kiện sẽ được gửi đi trong hộp với logo Amazon. Thứ duy nhất bạn có thể đưa thông tin và hình ảnh thương hiệu vào là Phiếu giao hàng được Amazon in ra.
-
Phí lưu kho trong thời gian dài: Đối với một số mặt hàng sản lượng bán ra thấp, lưu kho tại Amazon có thể không phải là một lựa chọn tốt. Những mặt hàng lưu kho Amazon quá 181 ngày sẽ bị tính phí và nếu bạn không quản lý tồn kho cẩn thận, mức phí này có thể đội lên rất nhanh với nhiều sản phẩm khác nhau.
-
Hạn chế sản phẩm & kênh bán: Chính sách nhận sản phẩm của Amazon khá nghiêm ngặt. Với những sản phẩm được cho là nguy hiểm như pin lithium, bình xịt, hàng hoá dễ cháy hay dễ hỏng, Amazon sẽ có yêu cầu nghiêm ngặt khi nhập kho và chi phí cũng sẽ cao hơn bình thường. Hơn nữa vì chính sách đóng gói như đã nêu trên, một số kênh bán như eBay, Walmart và Jet đã từ chối những sản phẩm đến từ kho Fulfillment của Amazon.
-
Xử lý hàng hoàn: Với mô hình FBA, những sản phẩm được bán trên Amazon sẽ được công ty chịu trách nhiệm xử lý hàng hoàn. Tuy nhiên với MCF, việc này không được Amazon hỗ trợ mà người bán sẽ phải xử lý.
Lời kết
Mô hình MCF của Amazon là mô hình tiêu biểu cho việc Fulfillment đa kênh và hiện đang được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới. Cung cấp hệ thống quản lý đơn hàng và tồn kho đơn giản cùng dịch vụ vận chuyển chất lượng, tuy nhiên mô hình MCF vẫn bị hạn chế về mặt sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Nguồn internet